NHỮNG GIỚI LUẬT CỦA TU HÀNH MẬT TÔNG KIM CƯƠNG THỪA VÀ GIỚI LUẬT RIÊNG CỦA ĐẠI VIÊN MÃN (Phần III)

KẾT LUẬN VỀ GIỚI LUẬT CỦA TU HÀNH MẬT TÔNG KIM CƯƠNG THỪA VÀ GIỚI LUẬT RIÊNG CỦA ĐẠI VIÊN MÃN

 

 

Ngài Guru Menla

 

Ngài Panchen Pema Wangyal tóm tắt các giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa trong những dòng sau.

Tóm lại, nếu nhận ra chính thân bạn (tức là thân, khẩu, và ý) như ba cửa Vajra (thân, khẩu, và ý của Bổn tôn).

Thì sự tuân thủ hàng trăm ngàn triệu giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa đều bao gồm trong nhận biết này.

Có nhiều phạm trù giới luật khác nhau. Những gì tôi đưa ra ở đây chỉ là các giới luật chính nói riêng về Tantra (Mật Tông) và Dzogpa Chenpo (Đại Viên Mãn). Nếu bạn học tập các Tantra khác nhau, thì mỗi Tantra đều có hệ thống giới luật riêng. Nhưng trong bản chất, nếu bạn có và duy trì nhận thức thanh tịnh, thì mọi giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa đều được bao gồm trong nó. Thấy mọi hiện tượng như thân Phật, nhận thấy mọi lời nói như Mantra, ngữ thanh tịnh của đức Phật, và nhận ra tâm như tâm giác ngộ của đức Phật là nhận thức thanh tịnh. Nhưng có thể điều này quá thâm sâu với chúng ta. Chỉ có tư tưởng tôn kính đến bất kỳ hiện tượng nào, bất cứ những gì ở trước chúng ta, là nhận thức thanh tịnh. Có loại nhận thức thanh tịnh đó, có một tâm tích cực, bản chất tôn kính và lòng bi gói gọn những giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa.

Vào cuối sự thực hiện quán đảnh Longchen Nyingthig, Ngài Kyabje Dodrupchen Rinpoche ban cho chúng ta tinh túy của giới luật để gìn giữ. Ngài nói, “Có nhiều giới luật như mười bốn vi phạm gốc, mà điều quan trọng và cũng dễ thực hiện cho bạn có mối tương quan tốt giữa đệ tử và vị thầy, và mối tương quan tốt giữa chính bạn và người chung quanh, người thân cận bạn. Nếu bạn nổi giận thì đừng biểu lộ. Nếu có người bị bệnh hay trong bất cứ khó khăn nào, hãy cố gắng giúp họ.”

Đây là một cách thiết thực và phổ biến về việc thấy, ứng xử với, và sống bằng giới luật, và nó là giới luật của Tantra. Năm ngoái, khi chúng ta tụ tập vào cuối tuần để thiền định về lòng bi, phần lớn mọi người đều thích và được lợi ích bởi điều này. Nhưng có một số người suy nghĩ rằng lòng bi không phải là Dzogpa Chenpo và điều đó không đủ “cao”, và đó là cảm xúc hoặc không phải cách thực hành truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Loại thiền giả khoa trương ấy cho thấy rằng sự khoan dung của chúng ta sẽ rơi xuống mức thấp như thế nào mặc dù cũng hướng về lòng bi và tụng niệm danh hiệu Đức Avalokiteshvara. Không có dấu vết đại rộng mở của cái thấy Dzogpa Chenpo. Vấn đề là chúng ta không nhìn vào chính mình, chúng ta không thấy mình đứng ở đâu và tình thế của chúng ta là gì. Sống tôn kính là nhận thức thanh tịnh, và lòng bi là sự rộng mở hay tiến trình mở rộng. Sống tôn kính và bi mẫn hướng đến mọi người hay sự vật chung quanh bạn, với người mà bạn cư xử bằng hơi thở và bằng xương bằng thịt, là đặt việc rèn luyện tâm linh vào thực hành cuộc sống thật sự.

Hãy nghĩ về thái độ hay cảm nhận chúng ta có với từng cá nhân. Chúng ta thường cảm thấy: “Tôi tốt hơn vì có nhiều tiền hơn, vị trí cao hơn, đẹp trai hơn, xinh xắn hơn, v.v… Ông hay bà ta thấp hơn tôi.” Thì đó là kiêu mạn. Chúng ta có cảm thấy đau xót tức tưởi, và suy nghĩ: “Ông hay bà ta cao hơn tôi.” Đó là đố kỵ. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ: “Ông hay bà ấy thật hạnh phúc biết bao, tạo được tiến bộ nhiều hơn tôi. Tôi thật hạnh phúc cho họ.” Đó là tâm hoan hỷ. Nó là bằng chứng cho việc thực hành Giáo Pháp của chúng ta có tiến bộ. Nếu trong lúc vẫn giữ mọi cảm xúc tiêu cực trong lòng mà chúng ta lại nói về việc phục vụ toàn thể thế giới hay cho những người ở các châu lục xa xôi, thì người với ý thức đúng đắn có thể sẽ cười vào chúng ta. Nếu thực sự muốn giúp người khác thì trước hết phải bắt đầu với chính chúng ta và sau đó đến người chung quanh mình. Có thể bạn có tư tưởng rằng khi Rinpoche nói hãy kính trọng và tử tế với nhau, điều đó không phải là một giáo lý và không có bất cứ ý nghĩa mật truyền nào, chỉ là đạo đức xã hội. Nhưng nếu chúng ta có thể áp dụng thì nó có hầu hết ý nghĩa của mật truyền. Tử tế và giúp đỡ người khác tiêu biểu cho giới luật của Vinaya, sống kỷ luật về thân. Nó bao gồm giới luật Bồ tát vì có quan điểm lợi ích người khác. Tôn kính tiêu biểu cho giới luật mật tông, có nhận thức thanh tịnh. Do vậy, lòng tốt, giúp đỡ, và tôn kính người khác là tinh hoa của giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa.

PHỤC HỒI GIỚI LUẬT BỊ ĐỨT

 

 

Ngài Kim Cương Tát Đỏa - Vajrasattva

 

Nếu chúng ta vi phạm bất cứ giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa nào, thì phải làm gì? Chúng ta nên sửa đổi điều này qua thực hành tịnh hóa, như nghi thức Vajrasattva. Bất cứ loại thực hành Ngondro nào, thọ quy y, phát triển Bồ đề tâm, hay cúng dường Mandala sẽ được hùng mạnh trong việc tịnh hóa nghiệp tiêu cực; mà sự tụng niệm và thiền định của Vajrasattva là vô song và đặc biệt trong việc tịnh hóa những dấu vết nghiệp xấu và cảm xúc tiêu cực, giúp phục hồi và làm mạnh mẽ giới luật Mật Tông Kim Cương Thừa của chúng ta. Về việc thực hiện tịnh hóa đó, điều cần thiết là hoàn tất bốn năng lực (sTobs bZhi):

1. Năng lực hỗ trợ (rTen Gyi sTobs). Chúng ta cần ai đó, một lực giác ngộ, để dựa vào. Vì chúng ta có tâm nhị nguyên và đánh giá, để giúp chính mình chúng ta cần một số quyền năng cao hơn để dựa vào. Chúng ta phải tin tưởng vào năng lực hỗ trợ, trong trường hợp này là Đức Vajrasattva.

2. Năng lực hối tiếc (Sun ‘Byin Pa’i sTobs). Chúng ta nên công kích hành động xấu của mình với sự hối tiếc mạnh mẽ về những gì đã làm, giống như người phá hủy chất độc. Nếu không hối tiếc, chúng ta sẽ không muốn tẩy tịnh hành động xấu của chúng ta vì sẽ không cảm thấy có bất kỳ tiêu cực nào bên trong chúng ta. Với một số người, nếu giết một con côn trùng họ sẽ cảm thấy xấu. Với những người khác, ngay cả nếu họ giết nhiều người, có thể họ chỉ cảm thấy tự cao. Khả năng đảo ngược cuộc sống tiêu cực của chúng ta không dựa vào bất cứ những gì ta làm, mà vào cảm giác về việc làm của chúng ta ra sao. Do đó, việc hối tiếc là rất quan trọng trong sự thay đổi quan điểm và tiến trình của cuộc sống.

3. Năng lực cam kết (sDom Pa’i sTobs). Chúng ta nên lập một nguyện, một lời hứa, bằng bất cứ giá nào cũng không vi phạm lần nữa. Người ta thường nghĩ, “ Tôi không muốn lập bất kỳ loại cam kết nào vì làm cam kết là bắt đầu phá vỡ cam kết.” Nhưng nếu chúng ta không lập một cam kết, thì không có gì để phá vỡ. Kinh điển nói rằng lập một cam kết là điều quan trọng, vì một cam kết phát sinh một quyết tâm và năng lực mạnh mẽ không vi phạm hành động xấu lần nữa.

4. Năng lực giải độc (gNyen Po’i sTobs). Đây là năng lực của phương pháp làm tịnh hóa những bất tịnh. Trong trường hợp này, là sự thực hành hay sadhana (nghi quỹ) của Đức Vajrasattva, trong đó chúng ta tịnh hóa các dấu vết của nghiệp xấu, những thói quen của cảm xúc bất thiện, qua cam lồ ban phước của sự hợp nhất nam và nữ Phật Vajrasattva.

Sự hỗ trợ, hối hận, lời hứa, và sau đó là sự tịnh hóa thực tế – bốn phương diện này rất quan trọng. Nói chung, trong Vinaya, nếu bạn đứt giới, nếu vi phạm bất cứ bốn giới nguyện gốc nào, bạn sẽ không thể phục hồi chúng. Bồ tát giới có thể phục hồi qua năng lực của chính bạn và người khác. Trong tantra, giới luật có thể được phục hồi bằng sự thực hành chính bạn. Thế nên, những giới luật bị đứt có thể phục hồi, và chúng sẽ hồi phục bằng việc sử dụng bốn năng lực. Giới luật thanh tịnh và hoàn thiện, sự tương tục của trí tuệ và năng lực mật tông, là trọng tâm và phần chính của thực hành mật tông.

Trên đây chỉ là những gì tổng quát của Mật Giáo, tốt nhất là nhận giới luật từ một bậc Đạo Sư thanh tịnh khẩu truyền. Có những giới luật chúng ta không giữ được thì nên đảnh lễ ngài 3 lễ sau đó phát lộ nói rằng con không giữ được để không hủy phạm giới. Thật hổ thẹn cho ai tự nhận mình là một hành giả kim cương thừa mà không thủ trì giới luật giải thoát.

OM AH HUM BENZA GURU PADME SIDDHI HUM

NHỮNG GIỚI LUẬT CỦA TU HÀNH MẬT TÔNG KIM CƯƠNG THỪA VÀ GIỚI LUẬT RIÊNG CỦA ĐẠI VIÊN MÃN (PHẦN I)
NHỮNG GIỚI LUẬT CỦA TU HÀNH MẬT TÔNG KIM CƯƠNG THỪA VÀ GIỚI LUẬT RIÊNG CỦA ĐẠI VIÊN MÃN (Phần II)

Leave Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.